Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay tiêu dùng từ vốn ngân sách địa phương
18-3-2020

Thực hiện Nghị quyết số 67/2019 ngày 30/12/2019 của HĐND tỉnh Kon Tum về cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Công tác giải ngân vốn vay cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện

Theo đó từ ngày 01/01/2020, đối tượng vay vốn: Hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020), hộ mới thoát nghèo (theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ -TTg  ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo), gặp khó khăn đột xuất về tài chính do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; tai nạn đột xuất; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản, phương tiện đi lại bị hư hỏng cần khắc phục ngay (kể cả trường hợp đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội); để kinh doanh, buôn bán nhỏ (không có dư nợ các Chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội), có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống với lý do chính đáng, hợp pháp. Mức cho vay: Do Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay thỏa thuận theo nhu cầu, khả năng nguồn vốn để cho vay phù hợp nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ/cá nhân (mỗi hộ gia đình chỉ được 01 cá nhân đại diện vay vốn). Thời hạn cho vay: Theo thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay với người vay vốn phù hợp với khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn vay nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày nhận tiền vay. Trường hợp đến hạn trả nợ, nếu người vay vốn gặp khó khăn về tài chính do nguyên nhân khách quan chưa trả được nợ thì được Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng một nửa thời hạn cho vay nhưng không quá 12 tháng. Lãi suất cho vay 7,92%/năm (0,66%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đăk Glei đã triển khai nghị quyết và đề án trên đến người dân và các đối tượng thuộc hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, NHCSXH huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể cho các tổ trưởng Tổ vay vốn trong việc bình xét cho vay, làm hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng vay vốn ở các thôn bản.  Đây vừa là sự hỗ trợ trực tiếp thông qua nguồn vốn, vừa là sự động viên, khích lệ khi thể hiện cụ thể sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền thông qua các chính sách ưu đãi.

Những chính sách ưu đãi đang đi vào thực tế cuộc sống sẽ góp phần giúp người dân đặc biệt là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư vào phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững và làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Glei./.

Tin, ảnh:Y Đông

Trung tâm VHTTDL&TT huyện

 

  
Số lượt xem:112