Xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho học sinh yếu thế |
10-10-2021 |
Ngày 6/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm “Giải pháp xây dựng mô hình trường học an toàn thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, đại diện các địa phương, trường học. |
CT |
Đối tượng học sinh thiệt thòi thuộc nhóm yếu thế gồm trẻ em là con em gia đình nghèo; trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em bị các dạng tật. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có khoảng 1,75 triệu trẻ em khuyết tật. Đáng chú ý số học sinh thuộc ‘nhóm yếu thế” đang ngày càng gia tăng trong các trường học ở Việt Nam. Mặc dù, đã có sự quan tâm đến những học sinh thuộc “nhóm yếu thế” trong các cơ sở giáo dục, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng điều kiện học tập của nhóm học sinh yếu thế. Đồng thời chia sẻ các phương pháp để xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học yếu thế, đưa ra những khuyến nghị đối với việc xây dựng các mô hình trường học này ở Việt Nam. Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ GDĐT là xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ, ban, ngành liên quan để ban hành các văn bản, quy định, chính sách pháp luật để chăm lo, hỗ trợ cho nhóm học sinh yếu thế. “Việc xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện và hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế nhằm đảm bảo các em được học tập, hoạt động trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua đó, các em học sinh được giáo dục, nâng cao nhận thức, khắc phục được những khó khăn của bản thân và rèn luyện kỹ năng ứng xử, giải quyết các vấn đề liên quan như: phòng chống xâm hại, kỳ thị; chăm sóc, bảo vệ, rèn luyện sức khỏe bản thân; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, nhân ái, thân thiện, bình đẳng”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo Thứ trưởng, quá trình xây dựng trường học an toàn, thân thiện và hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế cần có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, sự đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng mô hình trường học này phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường; huy động được các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo điều kiện dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn, chất lượng, hiệu quả. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai các giải pháp thúc đẩy xây dựng trường học an toàn, thân thiện hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh về nhóm học sinh yếu thế; Hỗ trợ học liệu và phương tiện chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của nhóm học sinh yếu thế; Xây dựng tài liệu hướng dẫn về nhận diện, đánh giá mức độ, đánh giá nguy cơ, phương pháp giảng dạy,… nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên trong công tác giáo dục nhóm học sinh yếu thế. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ nhóm học sinh yếu thế; Phát triển hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; Triển khai công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, phòng chống lao động trẻ em; Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, nhằm tạo dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh, không bạo lực; hướng đến mục tiêu mọi trẻ em được đi học và hòa nhập trong ngôi trường hạnh phúc;… |
Trung tâm Truyền thông Giáo dục |
Số lượt xem:251 |